Dân gian Trung Quốc có câu: “Đông chí quan trọng hơn ngày Tết”. Có thể thấy, Đông chí là một tiết khí quan trọng và cũng là ngày lễ truyền thống không thể thiếu. Trung Quốc cổ đại chia một năm thành 24 tiết khí. Mỗi mốc 15 ngày đánh dấu sự thay đổi của khí hậu và quá trình chuyển mùa. Tuy phong tục tập quán mỗi nơi một khác nhưng ý nghĩa vẫn như nhau, đều là bổ sung dinh dưỡng vào mùa đông và sưởi ấm cơ thể, xua tan giá lạnh. Hãy cùng điểm qua những món ăn dân dã phù hợp cho ngày Đông chí nhé!
Món ăn ngày Đông chí
Sủi cảo (饺子)
“Ăn sủi cảo vào ngày Đông chí để không bị lạnh tai” là câu nói được lưu truyền trong dân gian. Hầu hết các địa phương ở miền Bắc Trung Quốc đều có phong tục ăn sủi cảo vào ngày Đông chí. Phong tục này vừa để tưởng nhớ công lao và y thuật của thầy thuốc nổi tiếng cuối thời Đông Hán – Trương Trọng Cảnh, vừa có vai trò giữ ấm. Do đó, sủi cảo đã trở thành món ăn dân dã và yêu thích của người miền Bắc. Vào ngày Đông chí, gia đình ngồi quây quần bên bàn ăn, cùng gói sủi cảo và hàn huyên tâm sự.
Bánh trôi (汤圆)
Dân gian có câu: “Miền Nam ăn bánh trôi, miền Bắc ăn sủi cảo”. Ăn bánh trôi vào ngày Đông chí vô cùng phổ biến ở vùng Giang Nam. “圆” trong “汤圆” có nghĩa là “sum vầy” và “viên mãn”. Do đó, bánh trôi tượng trưng cho gia đình hòa thuận và gặp nhiều may mắn.
Bánh trôi được làm từ bột. Khi nước sôi, vo tròn bột lại như những viên trân châu to rồi thả vào nồi. Khi chín thì vớt lên, có thể cho thêm vừng và lạc vào nước dùng để món ăn được thơm và bùi hơn. Bánh trôi tuy ngon nhưng không nên ăn quá nhiều bởi đây là món ăn có hàm lượng calo và đường cao, ăn nhiều sẽ gây khó tiêu.
Bánh gạo (年糕)
Người Hàng Châu thường ăn bánh gạo vào ngày Đông chí để ăn mừng và cầu cho “năm mới tốt hơn năm cũ”. Bánh gạo thường được làm bằng gạo nếp hoặc bột gạo. Cũng giống như bánh trôi, bánh gạo là thực phẩm có hàm lượng calo cao, vì vậy không nên ăn quá nhiều cùng một lúc.
Canh thịt dê (羊汤)
Ở Sơn Đông, phong tục ăn canh thịt dê vào ngày Đông chí khá phổ biến. Theo truyền thuyết, Hán Cao Tổ Lưu Bang đã ăn thịt dê do Phàn Khoái nấu vào ngày Đông chí và hết lời khen ngợi. Kể từ đó, mọi người bắt đầu ăn thịt dê và các loại thực phẩm bổ dưỡng trong ngày Đông chí, không chỉ có tác dụng chống cái lạnh mà còn bồi bổ cơ thể, mang lại điềm lành trong năm tới.
Khi nấu canh thịt dê nên cho thêm rượu và gừng vừa đủ để khử mùi hôi và giữ được hương vị nguyên bản của thịt.
Hoành thánh (馄饨)
Người Tô Châu (Giang Tô, Trung Quốc) có phong tục ăn hoành thánh vào ngày Đông chí. Hoành thánh bên ngoài là bột, bên trong được bọc thịt, gần giống với sủi cao nhưng có một số điểm khác biệt nhất định. Sau khi nấu chín thường được ăn với nước canh.
Xôi đậu đỏ (红豆糯米饭) – Món ăn ngày Đông chí
Ở vùng nước Giang Nam, theo phong tục cả gia đình sẽ quây quần bên nhau ăn xôi đậu đỏ vào đêm Đông chí. Xôi đậu đỏ được làm bằng đậu đỏ và gạo nếp. Đậu đỏ có thể làm ấm bụng, gạo nếp có thể làm ấm cơ thể. Sau khi ăn sẽ có tác dụng giải cảm, bồi bổ sức khỏe. Đây là món ăn thích hợp vào mùa đông.
Cháo bát bảo (八宝粥) – Món ăn ngày Đông chí
Trong mùa đông se lạnh, một bát cháo bát bảo có tác dụng làm ấm bụng. Cháo bát bảo không chỉ bổ dưỡng mà còn có hương vị thơm ngon khó cưỡng. Để tăng tác dụng giữ nhiệt, khi nấu có thể chọn những nguyên liệu có tính nóng như táo tàu, óc chó, lạc, gạo nếp, long nhãn, củ mài, nấm hương,…
Rượu đông (冬酿酒)
Có một câu nói rất nổi tiếng ở thành phố Tô Châu, “Nếu không uống rượu vào ngày Đông chí thì sẽ bị đông cứng một đêm”. Rượu đông ban đầu được gọi là rượu Đông Dương (冬阳酒) vì khí dương tăng lên sau ngày Đông chí. Rượu đông chỉ được ủ mỗi năm một lần, là loại rượu gạo được ủ cùng hoa quế. Rượu có vị ngọt dịu, thoang thoảng mùi thơm của quế. Nồng độ rượu rất nhẹ nên ai cũng có thể uống được.
Trên đây là những giới thiệu về các món ăn truyền thống mà người Trung Quốc thường ăn trong ngày Đông chí. Mong rằng thông tin trên giúp ích cho bạn. Đừng bỏ qua những món ăn ngày Đông chí trên nếu có dịp thưởng thức nhé!